Trên thế giới, công nghiệp phá dỡ tàu cũ có thể mang lại lợi nhuận cho một số doanh nghiệp và cung cấp một phần nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, quá trình này sẽ làm phát sinh rất nhiều chất thải nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo thống kê của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), thế giới hiện có khoảng 50.000 tàu vận tải đang hoạt động. Hầu hết các tàu này có tuổi thọ trung bình từ 25 – 30 năm và khi hết hạn phục vụ, chúng sẽ được phá dỡ. Một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Pa kixtan, Bangladesh, Trung Quốc hình thành hẳn ngành công nghiệp phá dỡ tàu biển.
Quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, phá dỡ tàu biển gây ra những tác động lớn và tiêu cực đến môi trường xung quanh, do hầu hết các quốc gia nhận phá dỡ tàu đều là các quốc gia đang phát triển, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và thủy sản.
Phá dỡ tàu biển có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng các nguồn lợi thủy sản cũng như ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Hoạt động này sản sinh ra các hóa chất độc hại và chất thải nguy hại như: dầu mỡ khoáng, a miăng, các kim loại nặng (thủy ngân, chì, đồng, kẽm, nhôm, sắt…) và các chất nguy hại khác như: chất phóng xạ, hợp chất xyanua hữu cơ và cặn bển chứa nước dằn tàu có chứa nhiều vi khuẩn cùng sinh vật ngoại lai. Đó là chưa kể mối nguy hại do phá dỡ những con tàu chuyên chở dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất thải hoặc các loại hàng hóa nguy hiểm khác.
Thực tế cho thấy, vấn đề an toàn lao động tại các khu vực phá dỡ tàu biển là khá bức xúc và nan giải. Tính mạng người làm nghề thường xuyên bị de dọa do không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động. Ước tính có khoảng 10 vạn công nhân đang làm việc tại các công ty phá dỡ tàu trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Ủy ban về nhân quyền của Liên hợp quốc, mỗi ngày trên thế giới có 1 công nhân bị chết và nhiều người khác gián tiếp chịu ảnh hưởng bởi tác hại của việc phá dỡ tàu biển.
Tại Việt Nam, thành phố Hải Phòng là địa điểm diễn ra hoạt động phá dỡ tàu biển rầm rộ nhất. Hiện tại đây có tới 9 cơ sở với tổng năng lực phá dỡ đạt khoảng 100.000 – 120.000 tấn, trong đó lớn nhất là Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, Nhà máy sửa chữa tàu biển Nam Triệu. Nhìn chung hạ tầng kĩ thuật của các cơ sở này còn kém hoặc không phù hợp cho hoạt động phá dỡ tàu biển. Công nghệ phá dỡ lạc hậu, đặc biệt là công đoạn cắt hoàn toàn do công nhân thực hiện trực tiếp mà chưa được tự động hóa. Phương pháp cắt chủ yếu bằng khí công nghiệp, axetylen, điện dễ gây cháy nổ nếu không có các biện pháp an toàn lao động nghiêm ngặt. Cường độ hoạt động của các cơ sở phá dỡ mang tính thời vụ, phụ thuộc vào nguồn tàu và khách hàng mua nguyên vật liệu.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Hải Phòng, do vị trí các cơ sở phá dỡ tàu cũ nằm rải rác dọc theo các tuyến sông của thành phố nên khó quản lý. Khi đưa tàu vào phá dỡ, hầu hết các cơ sở này vẫn chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định hiện hành. Các chất thải phát sinh trong quá trình phá dỡ phần lớn là để rơi vãi tự do trên mặt đất hoặc rớt xuống sông. Đối với các loại chất thải này, hiện không có biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm.
Đáng chú ý là phao quây ngăn dầu mà các cơ sở sử dụng là tấm xốp kết thành vòng bao quanh con tàu được phá dỡ. Loại phao này chỉ mang tính đối phó với các cơ quan quản lý chứ hoàn toàn không có khả năng chặn dầu loang. Ngoài ra, rỉ sắt tạo ra từ quá trình phá dỡ được dùng để san lấp mặt bằng. Chất thải rắn có thể thấy được như cao su, nhựa, gỗ vụn được gom lại và đốt. Theo cách quản lý này thì chất lượng môi trường không được bảo đảm vì trong thành phần chất thải rắn chứa nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động và nhân dân quanh vùng.
Không phủ nhận rằng, phá dỡ tàu cũ đã mang lại nguồn nguyên liệu không nhỏ cho ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, ngoài yếu tố kinh tế, đã đến lúc các biện pháp bảo vệ môi trường cần được thực hiện song hành, vì mục đích phát triển bền vững.