ThienNhien.Net – Hơn 20 triệu người dân đang sống nhờ vào nguồn cung cấp nước từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Điều đó cho thấy, nếu có bất kỳ một sự tác động xấu nào đến nguồn nước trên sẽ gây những tác hại khôn lường đến chất lượng sống của người dân. Thế nhưng, bất chấp cảnh báo trên, việc cho phép xây dựng quá nhiều công trình thủy điện khu vực trung, thượng nguồn đã và đang khiến nguồn nước trên bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, về vấn đề này.
Thủy điện hại… sông
– Là người nhiều năm nghiên cứu, theo dõi chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai, ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nước này hiện nay?
TS. Đào Trọng Tứ: Hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang bị suy kiệt. Nguyên nhân của sự suy kiệt đó chính là việc xây dựng quá nhiều thủy điện chạy dọc theo hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Tính đến thời điểm hiện nay, có đến 25 công trình thủy điện được xây dựng, chiếm 1.060 km.
– Nhưng có ý kiến cho rằng, việc ô nhiễm nước sông Sài Gòn – Đồng Nai ngày càng tăng là do tình trạng xả thải chưa qua xử lý của các doanh nghiệp, khu công nghiệp đóng trên địa bàn 11 tỉnh, thành?
TS. Đào Trọng Tứ: Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Việc hình thành quá nhiều thủy điện theo hình bậc thang dọc sông Đồng Nai khiến con sông này rơi vào trạng thái vỡ vụn. Toàn bộ hệ sinh thái, sinh cảnh khu vực thượng và trung lưu bị phá vỡ. Cơ cấu dòng chảy tự nhiên của sông từ thượng nguồn bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho khu vực hạ nguồn. Trong đó, tăng khả năng đe dọa lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô.
Đó là chưa kể nhiều phương án phục hồi môi trường do nhà đầu tư cam kết trước và sau khi xây dựng các thủy điện đều không được thực hiện một cách đầy đủ. Điển hình nhất là nhà đầu tư nào cũng cam kết sẽ phục hồi lại diện tích rừng đã bị phá để xây dựng đập ngăn nước nhưng cho đến nay vẫn chưa nhà đầu tư nào làm việc này. Việc lắng đọng phù sa và tích lũy chất thải công nghiệp, sinh hoạt ở phía thượng nguồn cũng là mối nguy hại đến chất lượng nước ở hạ nguồn…
– Nói như vậy, để cứu lấy sông Sài Gòn – Đồng Nai tốt nhất không nên có sự tồn tại của các thủy điện?
TS. Đào Trọng Tứ: Sự đóng góp của các thủy điện cho an ninh năng lượng và tăng thu nhập cho nền kinh tế quốc gia là không thể phủ nhận. Hiện tại, thủy điện đang đóng góp trên 50% sản lượng điện quốc gia. Thế nhưng, cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn về sự đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
Địa hình nước ta có đến 3/4 trên tổng diện tích đất là đồi núi, 1/4 diện tích còn lại là đất màu mỡ ven sông có thể canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, để sản xuất được 200.000 MW điện thì phải đánh đổi 200 ha đất phù sa. Đó là chưa kể, để có đất xây dựng thủy điện, phải di dời số lượng lớn người dân đang sinh sống, gây ra những xáo trộn trong xã hội, suy giảm chất lượng sống của người dân.
Không dừng lại đó, với tốc độ gia tăng ô nhiễm trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai như hiện nay, trong vòng vài năm tới, nguồn nước sẽ không đủ sạch để sử dụng làm nước cấp sinh hoạt. Đến lúc đó, liệu những lợi ích kinh tế thu được có đủ để tái đầu tư phục hồi chất lượng nguồn nước…?
Hài hòa lợi ích
– Vậy làm thế nào để có thể hài hòa lợi ích khai thác thủy điện với bảo vệ môi trường hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai?
TS. Đào Trọng Tứ: Kinh phí bỏ ra để đầu tư xây dựng những nhà máy thủy điện không nhỏ nhưng những tổn hại về môi trường như đã nêu trên cũng không ít. Do vậy, về lâu dài, cần thiết phải nghiên cứu đầy đủ và chi tiết hơn những tác hại đến môi trường hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai khi duy trì và vận hành hệ thống thủy điện bậc thang. Trong đó, đặc biệt chú trọng nghiên cứu những tác hại đến diện tích đất nông nghiệp, an ninh lương thực và sinh kế của con người…
Còn trước mắt, phải thống nhất vai trò tổng chỉ huy vận hành và điều tiết nguồn nước sông Đồng Nai. Trên thực tế, các dự án thủy điện được xây dựng và vận hành một cách độc lập, không có sự thống nhất trong tổng thể lưu vực gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước và an sinh các tỉnh, thành khu vực hạ lưu. Vào mùa khô khi hạ lưu cần xả nước đẩy mặn thì các hồ lại cần chứa nước để sản xuất điện. Đến mùa mưa, thay vì phải tích nước để giảm lưu lượng dòng chảy thì các thủy điện lại xả nước do lượng nước về hồ quá nhiều. Kết quả là gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp khu vực hạ lưu.
– Thực tế trên cũng đã được đề cập đến rất nhiều nhưng theo quan điểm của ông thì đâu là rào cản khiến mục tiêu hài hòa lợi ích kinh tế với môi trường đối với sông Sài Gòn – Đồng Nai khó thực hiện?
TS. Đào Trọng Tứ: Bất cập lớn nhất chính là sự thay đổi liên tục trong quy hoạch về xây dựng hệ thống thủy điện trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Các nhà khoa học, chuyên gia không ít lần đặt câu hỏi tại sao Bộ Công Thương lại dễ dàng thay đổi quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai nhiều như thế? Trong khi đó, việc tính toán quy hoạch cần phải tổng quan, nhất quán, dài hơi và kiên định. Khắc phục được rào cản này thì việc nghiên cứu mới được thực hiện đầy đủ, toàn diện và chính xác. Từ đó mới xây dựng được những đề xuất, giải pháp có tính thực tiễn, khả thi và phù hợp với từng khu vực dọc hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.