ThienNhien.Net – Để tiện cho việc khai thác vàng trái phép dọc bờ sông Lon, con sông giáp ranh giữa địa phận huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), đội quân “vàng tặc” đã không nề hà san phẳng nhiều diện tích rừng nguyên sinh cổ thụ và nghiễm nhiên mở riêng con đường dài gần 10 km xuyên rừng gắn dưới mác “đường dân sinh”.
Vượt gần 200 cây số bằng xe máy qua những nẻo đường quanh co, lầy lội và phải mất tới 4 giờ đồng hồ cuốc bộ, leo trèo mới đến được khu vực sông Lon, chúng tôi mới thấu hiểu vì sao “vàng tặc” lại có thể dễ bề lộng hành giữa khung cảnh núi non hiểm trở đến vậy.
Triệt hạ từng gốc cây rừng
Cảnh tượng kinh hoàng được bày ngay trước mắt khi cả nhóm vừa đặt chân tới thôn 3, xã Trà Kha, huyện Bắc Trà My. Tại đây, đội quân “lâm tặc” mà thực chất là “vàng tặc” đã dùng cả xe cơ giới để cày ủi những khoảnh rừng nguyên sinh cổ thụ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi nhằm vừa lấy gỗ, vừa làm đường vào khu vực khai thác dọc sông.
Dù theo một số người dân địa phương, con đường được gắn mác “dân sinh” này đã được các chủ bưởng chỉ đạo triển khai từ năm 2011 nhưng gần một năm sau trở lại, chúng tôi vẫn không thể tin rằng cảnh tượng nơi đây vẫn chẳng khác nào bãi chiến trường cưa xẻ gỗ bởi dọc đường đi vẫn là những gốc cổ thụ nằm ngổn ngang, la liệt, trong đó có không ít cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm như sến, gõ…
Khởi tố hình sự công ty san ủi đường “dân sinh”
Ngày 14/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, Hạt kiểm lâm Bắc Trà My vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH Hoàng Thịnh (địa chỉ tại xã Trà Khê, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) về tội hủy hoại rừng. Theo điều tra của Đội kiểm tra liên ngành, việc san ủi đường nhằm phục vụ mục đích khai thác khoáng sản tại khu vực sông Lon là do Công ty TNHH Hoàng Thịnh thực hiện, gây thiệt hại tổng cộng 6.544m2 diện tích rừng, và tổng trữ lượng gỗ lên tới 10,433 m3. Vụ phá rừng tự nhiên trái pháp luật nêu trên đã vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính, vì thế Hạt kiểm lâm Bắc Trà My đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng theo Điều 189 của Bộ luật Hình sự. Hiện Hạt đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên Công an huyện Bắc Trà My để tiếp tục điều tra, làm rõ sự vụ. |
Anh K., người dẫn đường cho biết, để khai thác triệt để nguồn gỗ quý tại đây, “vàng tặc” đã cho lập thành nhiều nhóm mang theo cả đồ ăn thức uống, lều bạt cùng phương tiện hành nghề vào ăn ngủ tại rừng, dùng cưa máy cưa đổ từng cây một, hết điểm này đến điểm khác, thậm chí nhóm còn dựng cả xưởng cưa trong rừng để xẻ gỗ thành từng tấm nhằm tiện bề vận chuyển. Cứ một cây bị đốn là hàng loạt cây khác đổ theo.
Lòng sông cũng bị đục rỗng, khoét sâu
Chưa hết bàng hoàng với “bảng thành tích” mà “vàng tặc” để lại trên suốt dọc vạt rừng dài gần 10 km, nhóm phóng viên càng bất ngờ hơn khi tiếp cận gần tới khu vực khai thác dọc bờ sông Lon.
Bất chấp đường sá xa xôi, hiểm trở, “vàng tặc” đưa cả xe cơ giới hạng nặng cùng hàng chục chiếc máy mổ và giàn xả… vào khu vực khai thác. Hệ quả là hàng trăm khối đất đá dưới lòng sông cùng nhiều diện tích đất rừng nằm dọc hai bên bờ bị đào xới, nguồn nước sông cũng luôn trong tình trạng đục ngàu bởi nạn xả thải từ các bãi khai thác hoạt động hết công suất.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhóm “vàng tặc” kiêm “lâm tặc” hoành hành tại khu vực sông Lon vốn thuộc sự quản lý của bốn “ông chùm” mang tên Hoàng, Quang (cùng quê Quảng Nam) và Đức, Thanh (quê Quảng Ngãi). Cả hai nhóm có tới hơn 40 công nhân và mỗi nhân công được trả 4 triệu đồng/tháng.
Điều đáng nói là thực trạng phá rừng, khai thác vàng trái phép diễn ra đã khá lâu và trên phạm vi rộng, nhưng hầu như không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.
Lộ diện dấu hiệu bao che?
Trở về sau chuyến băng rừng đầy mạo hiểm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Văn Trần – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka nhằm tìm hiểu vì sao lại xuất hiện con đường gắn mác “dân sinh” dài gần 10km xuyên rừng.
Ông Trần cho biết: “Việc mở tuyến đường vào sông Lon là do người dân tại khu vực làm đơn đề xuất. Đó là tuyến đường phục vụ công tác dân sinh. Dân làm đơn xin cho các chủ bưởng khai thác vàng để bù vào chi phí mở đường. Nhưng xã không dám duyệt và đã chuyển đơn lên huyện, huyện cũng không cho phép nhưng các chủ bường vẫn tiến hành mở đường và đưa xe vào khai thác”.
Tuy nhiên, qua điều tra thực tế, chúng tôi nhận thấy, tuyến đường này không hề phục vụ công tác dân sinh, và cũng không đi qua các khu rừng trồng như vẫn tưởng mà xuyên thẳng qua những khoảnh rừng nguyên sinh.
Đặc biệt, khi tiếp xúc với những người dân trong xã, họ tỏ ra vô cùng bức xúc bởi theo họ, con đường dân sinh từ trung tâm xã về thôn 3 và thôn 4, xã Trà Ka đã được nhà nước đầu tư xây dựng. Còn đường vào sông Lon thực chất là chỉ phục vụ cho việc khai thác vàng của các chủ bưởng và trong suốt quá trình mở đường, rừng đã bị tàn phá không thương tiếc, không ít khối gỗ quý đã bị “vàng tặc” xẻ mang đi.
Người dân cũng đặt câu hỏi, ai đã mạo danh họ làm đơn xin mở đường thay cho nhóm đầu nậu? Và họ yêu cầu cần làm sáng tỏ sự vụ này.
Trao đổi với một vị lãnh đạo huyện Bắc Trà My về vụ việc trên, ban đầu chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “khéo” – rằng “có thể các anh đã nhầm với địa danh Tây Trà ở Quảng Ngãi chứ ở đây làm gì có chuyện phá rừng, khai thác vàng trái phép”, tuy nhiên, sau khi xem những thước phim và hình ảnh được nhóm ghi lại, ông mới “mở lòng” chia sẻ và thừa nhận có sự bao che của chính quyền cấp cơ sở. Mới đây, phía huyện cũng đã tổ chức truy quét và chốt chặn nhưng vẫn chưa tạm dừng triệt để được hoạt động trên – ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo lời của một cán bộ xã Trà Ka thì lực lượng chức năng của huyện tuy có tổ chức truy quét nhưng thực tế chưa vào tận địa điểm phá rừng và khai thác vàng. Vì địa hình xa xôi, giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi nên có khi đoàn chỉ đi nửa đường rồi lại trở ra (!?)
Thêm điểm đáng nghi vấn nữa là nhà của vị Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kha ở giáp ngay đầu tuyến đường vào khu vực sông Lon, vì vậy nếu nói chính quyền xã không biết sự việc này thì thật khó tin. Và càng lạ lùng hơn khi xã chỉ biết chuyển đơn xin mở đường cho các đầu nậu lên cấp huyện mà không báo cáo tình hình địa phương lên các cấp cao hơn để cùng tìm biện pháp xử lý?
Một số hình ảnh vừa được nhóm phóng viên ghi lại tại Trà Kha trong chuyến thực địa tháng 2/2012.