ThienNhien.Net – Với lý do những con đập đang tàn phá nghiêm trọng các hệ sinh thái nước ngọt, gây ra những tổn thất không thể bù đắp đối với các nền văn hóa trên thế giới, hơn 50 nhà hoạt động đến từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Việt Nam và Pháp đã họp mặt tại trung tâm Marseille (Pháp) trong tuần lễ Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 6 (diễn ra từ ngày 12 – 17/3/2012) để cùng phản đối hành động đánh bóng uy tín môi trường (greenwashing) của các nhà xây đập.
Theo lý giải của Ronack Monabay thuộc Tổ chức Những người bạn của Trái đất – chương trình Pháp (FoE France), “các đập thủy điện lớn vốn không “xanh” như chúng ta tưởng. Hiện có tới 60% số dòng sông trên thế giới đã được triển khai xây dựng đập, và hệ sinh thái nước ngọt cũng đang dần mất đi các loài cùng nơi cư trú của chúng. Hàng triệu người sống phụ thuộc vào sông nước cũng buộc phải di dời để nhường chỗ cho những con đập. Thế nhưng, dưới chiêu bài “xanh” và cách đánh bóng uy tín môi trường giả tạo, các nhà xây đập vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ từ các tập đoàn tài chính. Không ít ngân hàng quốc tế vẫn thi nhau rót vốn cho các dự án đập lớn. Chỉ tính riêng con số mà Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) chi cho hệ thống các con đập ở Nam bán cầu đã lên tới xấp xỉ 1 tỷ euro”.
Nhóm phản đối cảnh báo, Diễn đàn Nước Thế giới đã thực sự bị biến tướng thành một triển lãm thương mại chuyên trưng bày những sáng kiến đánh bóng uy tín môi trường của ngành công nghiệp đập.
Trước đó, cũng tại Diễn đàn Nước Thế giới, Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) đã trình bày Bộ quy tắc Đánh giá thủy điện bền vững (HSAP) – một bảng đánh giá tự nguyện mà các nhà xây dựng đập và nhà tư vấn có thể sử dụng để đánh giá các dự án đập lớn.
Tuy nhiên, theo Zachary Hurwitz, Điều phối viên chính sách thuộc Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (IR), Bộ quy tắc mà IHA đưa ra đang nghiễm nhiên cho phép các nhà xây đập thừa nhận con đập họ tiến hành xây dựng là bền vững, trong khi nó không ngừng vi phạm các đạo luật về môi trường, vi phạm nhân quyền quốc gia cũng như quốc tế.
Để không lặp lại sai lầm trong quá khứ, ông cho rằng các nhà xây đập cần có trách nhiệm thực thi các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cao nhất.
Và thay vì lựa chọn Bộ quy tắc của IHA, nhóm phản đối kêu gọi phía doanh nghiệp cần tuân thủ những khuyến nghị của Ủy ban Thế giới về Đập (WCD) và các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc về Quyền của người bản địa (UNDRIP)… Cùng với đó, họ còn kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh việc đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng ngoài thủy điện nhằm hướng tới các loại hình năng lượng thay thế bền vững hơn.
Động thái trên của các nhà hoạt động vì môi trường cũng nằm trong số hơn 30 hành động được triển khai đồng thời tại hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Hành động Vì Sông ngòi lần thứ 15 (14/3/2012).