ThienNhien.Net – Tổ chức Những người bạn của Trái đất – chương trình châu Âu (FoE Europe) hôm 12/1 vừa qua đã ra thông cáo cho rằng các ngân hàng, quỹ trợ cấp và các công ty bảo hiểm châu Âu đang làm gia tăng đói nghèo trên toàn cầu thông qua việc đầu cơ giá lương thực và cung cấp tài chính cho việc chiếm dụng đất ở các nước nghèo hơn.
Qua phân tích hoạt động của 29 ngân hàng, quỹ trợ cấp và công ty bảo hiểm châu Âu, bao gồm cả Ngân hàng Deutsche, Barclays, RBS, Allianz, BNP Paribas, AXA, HSBC, Generali, Allianz, Unicredit & Credit Agricole, FoE Europe đã phát hiện ra mối liên quan đáng kể của các thể chế tài chính này tới hoạt động đầu cơ lương thực và hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc chiếm dụng đất đai.
Theo nhận định của ông Daniel Pentzlin, một nhà vận động chiến dịch đầu tư bền vững của FoE Europe, thì: “Đầu cơ lương thực và đất đai chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ổn định nghiêm trọng về giá lương thực toàn cầu, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các quỹ trợ cấp châu Âu có liên quan đến hoạt động đầu cơ lương thực và đất đai rõ ràng đang đánh bạc với cuộc sống của bao con người chỉ để thu về cho mình nguồn lợi nhuận khổng lồ. Do đó, ngành kinh doanh này cần phải điều chỉnh một cách nghiêm ngặt để bảo vệ những người nghèo nhất trong xã hội”.
Có thể nói, những điều lệ mới được đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) về cải thiện tính minh bạch trên các thị trường phái sinh hàng hóa chính là bước đi đầu tiên trong quá trình điều chỉnh luật, song trước mắt cần giải quyết được các thiếu sót cũng như những lỗ hổng, những sai phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn có bộ giải pháp quan trọng theo như tác giả của cuốn “Farming Money” khuyến nghị nhằm điều chỉnh các thị trường tài chính châu Âu, đồng thời thắt chặt các chính sách của doanh nghiệp về dịch vụ và đầu tư tài chính trong các công cụ phái sinh hàng hóa lương thực và các thỏa thuận đất đai.
Ông Daniel Pentzlin còn cho biết: “Năm 2012 là thời điểm để châu Âu chấm dứt sự phá hủy đối với môi trường và xã hội do các thị trường tài chính gây ra. Các chính trị gia cần can thiệp và đặt dấu chấm hết cho nạn đầu cơ quá mức, đầy tai hại này”.
Như đã đề cập ở trên, hoạt động đầu cơ lương thực đã và đang dẫn tới những biến động về giá cả. Và những biến động khó lường ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đe dọa quyền lợi của họ đối với lương thực và khiến người nông dân phải vô cùng chật vật trong vấn đề mưu sinh. Còn hoạt động chiếm dụng đất, theo sau việc đầu tư đất đai trực tiếp và gián tiếp của các thể chế tài chính lớn của châu Âu, cũng phải trả giá bằng sinh kế và chủ quyền lương thực của người dân địa phương, kèm theo đó là sự phá hủy môi trường thông qua việc thay đổi tình hình sử dụng đất.
Trước thực trạng này, FoE Europe đang tích cực kêu gọi các thể chế tài chính điều tra, công khai và giảm dần mối liên quan tới đầu cơ lương thực và đầu tư đất đai; yêu cầu các ngân hàng, quỹ trợ cấp và các công ty bảo hiểm nên hạn chế đầu cơ vào các sản phẩm tài chính dựa trên nguồn lương thực chủ yếu vốn đe dọa đến quyền con người đối với lương thực; đồng thời đề nghị các nhà lãnh đạo châu Âu nên tham gia vào quá trình điều chỉnh luật để tiến tới chấm dứt nạn đầu cơ lương thực và đầu tư đất đai quá mức của các thể chế tài chính lớn.
FoE Europe là tập hợp của hơn 30 tổ chức quốc gia với hàng nghìn nhóm địa phương tại châu Âu chuyên tham gia các chiến dịch vận động vì sự bền vững của xã hội và các chiến dịch bảo vệ môi trường. FoE Europe là thành viên của mạng lưới môi trường lớn mạnh nhất hành tinh – Những người bạn Trái Đất quốc tế (FoEI). |