Ngành chế biến gỗ của Trung Quốc khiến rừng thế giới thiệt hại nặng nề

ThienNhien.Net – Trong bức tranh tăng trưởng đột phá của Trung Quốc luôn có hai mặt sáng tối đối lập nhau, ngành chế biến gỗ không là một ngoại lệ. Điều mà người ta quan tâm ở đây chính là việc Trung Quốc đang trở thành một “công xưởng gỗ khổng lồ”, là nơi tập kết trên nửa tổng khối lượng gỗ được khai thác của thế giới. Song, bên cạnh đó, việc nhập khẩu gỗ trái phép vào Trung Quốc cũng đang diễn ra mạnh mẽ, bất chấp các chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay do các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế phát động. Những phân tích của giáo sư William Laurance (Đại học James Cook – Australia) đăng trên tạp chí E360 của Đại học Yale (Hoa Kỳ) đã mô tả một phần bức tranh này.

Một công xưởng gỗ của Trung Quốc (Ảnh: plentyofforestrynews.com)

Tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc ngày càng chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh như năng lượng mặt trời, xe hơi điện công nghệ cao. Trung Quốc cũng đã xúc tiến một chương trình quốc gia về trồng rừng đầy tham vọng, trong khi vẫn đồng thời siết chặt quản lý nạn khai thác gỗ bất hợp pháp trong nước. Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), diện tích che phủ rừng của Trung Quốc đã tăng từ 157 triệu ha năm 1990 lên 197 triệu ha năm 2005.

Tuy nhiên, đằng sau những thành quả mà Trung Quốc đạt được, cũng có những “mảng xám” cần bàn đến. Cùng với sự mở rộng diện tích rừng, hai ngành công nghiệp dẫn đầu về thâm dụng nguyên liệu gỗ – ngành chế biến gỗ và sản xuất giấy phục vụ xuất khẩu – của Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng. Theo Forest Trends, một tổ chức phi chính phủ về rừng có trụ sở ở Washington, trung bình mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 400 triệu m3 gỗ nguyên liệu phục vụ xuất khẩu và để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng lớn. Sản lượng giấy trong giai đoạn 2002-2007 đã tăng gấp đôi, một tốc độ gia tăng đến chóng mặt.

Gs. William Laurance bình luận “Bản chất của vấn đề không có gì sai – mỗi quốc gia đều có quyền phát triển kinh tế và tìm kiếm sự thịnh vượng bằng những ngành công nghiệp thế mạnh của nước mình. Điều đáng lên án ở chỗ Trung Quốc đang biến mình thành “gã thợ xẻ” chĩa cái nhìn tròng trọc vào những cánh rừng của thế giới. Phân nửa lượng gỗ và phần lớn bột gỗ được Trung Quốc nhập về có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới hoặc vùng Siberia.”

Trung Quốc hiện là khách hàng tiêu thụ gỗ nhiệt đới lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu hàng năm từ các quốc gia nhiệt đới khoảng 40 đến 45 triệu m3. Kho tiếp nhận cuối cùng hơn nửa khối lượng gỗ giao dịch thương mại của thế giới cũng chính là Trung Quốc.

Làn sóng chỉ trích

Có ba lý do khiến những nhà bảo tồn lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc cùng hàng trăm tập đoàn, công ty kinh doanh ngành gỗ của họ chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế, gần như không quan tâm đến công bằng xã hội và bền vững môi trường.Việc Trung Quốc hỗ trợ tiền xây dựng hàng loạt các tuyến đường bộ, đường sắt vươn tới các vùng xa xôi, hẻo lánh ở Amazon, Congo và châu Á – Thái Bình Dương cũng đồng nghĩa với “mở đường trải thảm” cho các hoạt động tàn phá rừng trái phép. Nhu cầu tiêu thụ bột gỗ lớn của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tàn phá rừng tự nhiên quy mô lớn ở các đảo Sumatra và Borneo.

Thứ hai, Trung Quốc thường chỉ tập trung vào nhập khẩu gỗ chưa qua chế biến. Điều này dẫn đến hậu quả tất yếu là phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các nhà kinh doanh, sản xuất nước ngoài trong khi các nước đang phát triển được hưởng lợi ít nhất. 1 mét khối gỗ gõ nước (Intsia bijuga) nếu bán tại Papua (Indonesia), nghĩa là tại nơi khai thác, chỉ có giá khoảng 11 USD nhưng sau khi được công ty Trung Quốc nhập về chế biến thành ván sàn, giá là 240 USD.

Thứ ba, Trung Quốc hầu như không có động thái gì chống lại nạn khai thác gỗ bất hợp pháp – một vấn nạn mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt. Báo cáo năm 2011 về khai thác gỗ bất hợp pháp của Interpol và Ngân hàng Thế giới (WB) kết luận, trong số 15 quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn nhất của vùng nhiệt đới, ít nhất 2/3 số quốc gia có tỉ lệ trên 50% nguyên liệu gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Trên phạm vi toàn cầu, thiệt hại từ việc trốn thuế môi trường của hoạt động khai thác gỗ trái phép vào khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Đây là thiệt hại mà các nước đang phát triển gánh chịu. Đó là chưa kể quá trình khai thác gỗ bất hợp pháp đã tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Theo một phân tích năm 2010 của Viện chính sách Chatham House (Anh), mặc dù nạn khai thác gỗ bất hợp pháp trên thế giới có xu hướng giảm nhưng đó lại không phải là kết quả của những động thái từ phía Trung Quốc. Báo cáo này kết luận, trong giai đoạn 2000 – 2008, Trung Quốc đã nhập khẩu từ 16 đến 24 triệu m3 gỗ bất hợp pháp mỗi năm – gấp đôi tổng khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm của các quốc gia công nghiệp hàng đầu. Đây là một con số đáng bàn luận.

Khoảng 1/3 số gỗ có nguồn gốc trái phép này được Trung Quốc sản xuất thành đồ nội thất, ván sàn gỗ, ván ép và các sản phẩm gỗ khác để xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường khác, song đa phần người tiêu dùng không biết nguồn gốc nguyên liệu của những sản phẩm này.

Rừng nhiệt đới Sumatran, Indonesia bị khai thác để sản xuất bột giấy (Ảnh: e360.yale.edu)

Bất chấp dư luận

Trái với thực tế đang diễn ra, câu chuyện về gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp rất ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hay thu hút sự quan tâm của các nhà báo Trung Quốc. Trong khi đó, ngoài lãnh thổ quốc gia này, vấn đề ngày càng được quan tâm, đặc biệt kể từ mốc 2005 khi Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố bản báo cáo phân tích tỉ mỉ việc khai thác và nhập khẩu gỗ lậu từ tỉnh Papua (Indonesia) vào Trung Hoa đại lục. Đường dây tội phạm quốc tế này có dính líu tới cả vấn đề tham nhũng ở Indonesia, các đối tượng khai thác gỗ lậu Malaysia và các chủ tàu Singapore.

Các tổ chức quốc tế như Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Forest Trends, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) và Quỹ Hòa bình Xanh (GreenPeace), Ngân hàng Thế giới (WB), Interpol và Viện Chatham House cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần có những thay đổi.

Nói như vậy để thấy, các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu gỗ Trung Quốc sẽ phải đối diện với vô vàn khó khăn một khi những tổ chức môi trường có sức ảnh hưởng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã để mắt tới. Cụ thể hơn, Mạng lưới Hành động Rừng Nhiệt đới (Rainforest Action) đã có những chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng và các doanh nghiệp tẩy chay các sản phẩm giấy và bột giấy có nguồn gốc từ hai công ty sản xuất bột giấy lớn của Indonesia là Asian Pulp & Paper (APP) và APRIL – hai công ty này bị cáo buộc đã tàn phá những cánh rừng nhiệt đới Indonesia để cung cấp nguyên liệu sản xuất bột giấy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện tại, một vài nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Scholastic, Hachette và Tiffany & Co đã chuyển sang dùng các sản phẩm giấy tái chế đã được cấp chứng nhận bền vững. Bên cạnh đó, chiến dịch kêu gọi của các tổ chức xanh đã có ảnh hưởng lớn tới xu hướng tiêu dùng và tạo sức ép lên những chuỗi bán lẻ lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu như Walmart và Ikea, đề nghị các hãng này hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Tại Mỹ, doanh thu bán hàng từ các sản phẩm gỗ được cấp chứng chỉ ngày càng gia tăng, năm 2005 đạt 7,4 tỉ USD năm 2005 và người ta đã kỳ vọng con số này là 38 tỉ USD trong năm 2010.

Ngoài việc đối phó với khó khăn từ phía người tiêu dùng, các công ty Trung Quốc cũng vấp phải những quy định nghiêm ngặt hơn của các nước phát triển, cụ thể là những điều khoản mới trong Đạo luật Lacey của Mỹ và Kế hoạch hành động về gỗ của Liên minh châu Âu.

Cũng có quan điểm cho rằng ít nhiều những tác động từ bên ngoài đã có ảnh hưởng nhất định tới thái độ của Trung Quốc. Các cơ quan chức năng cũng đã có chút quan tâm và đưa ra các hướng dẫn đối với các tập đoàn trong vấn đề nhập khẩu gỗ bền vững hơn. Cuối năm 2011, Trung Quốc cũng là nước chủ nhà tổ chức Chương trình Đối thoại Đối tác Lâm nghiệp châu Á 2011 – hội nghị đánh giá những bước tiến trong nỗ lực chống khai thác gỗ bất hợp pháp ở châu Á trong thập kỷ qua.

Mặc dù vậy, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có kế hoạch hành động quốc gia hay ban hành văn bản pháp luật nào để ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp và các thỏa thuận thương mại chính thức với các nước cung cấp gỗ. Bản báo cáo của Viện Chatham House nhận xét: Cho dù chiếm một thị phần rất lớn trên thị trường quốc tế nhưng dường như Trung Quốc vẫn chưa cảm nhận được sức ép từ người tiêu dùng và sức ép cạnh tranh để có động lực cải thiện tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ.