Trao quyền cho người dân sẽ bảo vệ rừng tốt hơn

ThienNhien.Net – Bàn về câu chuyện một số kiểm lâm bảo kê lâm tặc phá rừng, chở gỗ lậu mà nghi vấn Phó Ban quản lý KBT kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm Pù Huống là người cầm đầu được công luận quan tâm trong tuần qua, TS. Tô Xuân Phúc và TS. Thomas Sikor cho rằng: “Nên nhìn nhận sự việc một cách bao quát hơn thay vì đánh giá trực diện và soi xét sự biến chất của một vài cá nhân. Sai phạm của kiểm lâm ở Pù Huống, Yok Đôn hay một số nơi khác trong thời gian qua có thể chỉ là bề nổi của những “lỗi” mang tính hệ thống trong ngành.”

Đánh giá nêu trên của TS. Phúc và TS. Thomas cũng chính là một phần nhận định trong báo cáo nghiên cứu về khai thác gỗ trái phép và bàn về lâm tặc ở Việt Nam do hai tác giả thực hiện, được công bố đầu năm nay trên Tạp chí quốc tế Society and Natural Resources (Xã hội và Tài nguyên Môi trường)*.

Đây là một nghiên cứu tổng hợp có tính phản biện. Nhóm tác giả phân tích động cơ của việc khai thác gỗ trái phép thông qua việc liên kết, xâu chuỗi những phát hiện từ thực tế với những luồng quan điểm, dư luận xã hội và cả những kết quả nghiên cứu khoa học quốc tế liên quan.

Các tác giả nhìn nhận mặc dù báo chí có một vai trò rất lớn trong việc phản ánh, đưa tin các vụ việc liên quan đến lâm tặc, sai phạm của kiểm lâm và một số cán bộ địa phương, song các nhà báo, hay báo chí nói chung không thoát ra khỏi một cách nhìn truyền thống.

Họ thường tách bạch sự tham nhũng của các quan chức, cán bộ nhà nước với chính vấn đề quản lý lâm nghiệp hiện hành. Nói cách khác, báo chí thường quan niệm rằng sai phạm của kiểm lâm và cán bộ quản lý liên quan đến khai thác gỗ lậu là do sự tha hóa của những cá nhân này, mà không phải là bởi hệ thống quản lý rừng hiện tại đã tạo cơ hội nảy sinh tha hóa.

Ngay cả khi viết về những vụ việc lớn, chẳng hạn như vụ phá rừng Tánh Linh xảy ra ở Bình Thuận vào những năm 1993-1995, các bài báo có thiên hướng tập trung mô tả, phân tích sự vụ, nhấn mạnh sự dính líu của một vài quan chức, cá nhân hay đưa ra nhận định rằng nếu đẩy mạnh việc thực thi luật pháp tại địa phương vấn đề sẽ được giải quyết.

Song, báo chí hầu như không cho rằng vấn đề khai thác gỗ trái phép là biểu hiện của những yếu kém mang tính hệ thống trong công tác cải cách lâm nghiệp. “Hệ thống lâm nghiệp” được hiểu mặc định là ổn, và hệ thống trong sạch thì sẽ giải quyết được vấn đề gỗ lậu. Tuy nhiên, quan niệm như vậy chưa hẳn là đúng.

Những phát hiện từ phân tích chuỗi giá trị

Báo cáo nghiên cứu của TS. Thomas và TS. Phúc không nặng những con số liệt kê, biểu đồ mà ta thường thấy trong các bản báo cáo của cơ quan nhà nước. Các phân tích đã cố gắng liên kết một cách logic trường hợp nghiên cứu điểm (tiến hành năm 2005) với các vụ việc khác diễn ra trong nước và trong khu vực.

Đáng lưu ý, trong quá trình phân tích thực trạng khai thác gỗ trái phép tại điểm nghiên cứu, các tác giả đánh giá chuỗi giá trị gỗ gắn với dòng thời gian và đưa ra những nhận định rõ ràng về sự phân phối không bình đẳng về lợi ích – rủi ro giữa các đối tượng có liên quan.

Người dân khai thác gỗ - hay còn bị gọi là "lâm tặc" - được hưởng lợi ít hơn cả nhưng lại lãnh rủi ro nhiều nhất trong chuỗi giá trị gỗ (Ảnh minh họa: Vụ lật xe chở gỗ tại Pù Huống, Nghệ An. Nguồn: Dân Trí)

Điểm nghiên cứu là một bản người Dao ở tỉnh Hòa Bình, người dân định cư từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác, bà con ở đây sống nhờ nông nghiệp và khai thác gỗ để phục vụ đời sống. Quyền của họ đối với những cánh rừng bao quanh bản cũng đã được địa phương thừa nhận qua nhiều năm. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi chính sách, người dân đã phải nhường phần nhiều quyền lợi của mình cho Lâm trường quốc doanh vào những năm 1960. Sang thập kỷ 90, khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, người dân sở tại bắt đầu khai thác gỗ bán cho các đầu nậu, mặc dù theo pháp luật việc khai thác này bị coi là phi pháp.

Con đường đi của gỗ từ bản người Dao tỉnh Hòa Bình xuống đến điểm tiêu thụ cuối cùng là các xưởng gỗ tại xã Hữu Bằng của tỉnh Hà Tây (cũ) không chỉ liên quan tới những người Dao sinh sống tại chỗ khai thác gỗ để bán vì mục đích sinh kế, người Mường ở bản bên cạnh là những người khai thác thuê, những người thu gom, vận chuyển, và người bán buôn. Phía sau đó là sự can thiệp và tham gia của hàng loạt cá nhân thuộc các cơ quan như kiểm lâm, quản lý thị trường, thuế… từ cấp xã đến cấp tỉnh, và không thể thiếu là những người “làm luật” với vai trò môi giới, nhằm đảm bảo gỗ được vận chuyển về xuôi trót lọt.

Nghiên cứu cho thấy phân phối lợi ích và rủi ro giữa các bên liên quan đến chuỗi giá trị gỗ không đồng đều. Người dân khai thác gỗ – hay còn bị gọi là “lâm tặc” – là bên được hưởng lợi ít hơn cả nhưng lại lãnh rủi ro nhiều nhất. Trong khi đó, phần nhiều lợi nhuận được chia sẻ cho bên môi giới (người làm luật) và các quan chức dính líu – cấp càng cao được chia phần càng nhiều.

Cần thay đổi quan điểm về bảo vệ rừng

Trái với đề xuất của nhiều cán bộ quản lý ngành kiểm lâm hiện nay, rằng để bảo vệ rừng hiệu quả hơn kiểm lâm cần được trao thêm quyền hạn, kết luận từ nghiên cứu cho rằng đó không phải là một giải pháp. Thậm chí, việc gia tăng quyền hạn của kiểm lâm có những rủi ro gây tác động nghịch nếu không kiểm soát được nạn tham nhũng.

Hai tác giả cho rằng xu hướng thắt chặt quản lý rừng trong những thập kỷ gần đây với việc ban hành cả “rừng” văn bản, chính sách ngày càng chặt chẽ như thực tế cho thấy là chưa đủ và chưa ổn. Việc “tội phạm hóa” những người dân vào rừng khai thác gỗ, bề ngoài có vẻ như thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, song bên trong chứa đựng những kẽ hở lớn dung dưỡng nạn nhũng nhiễu, câu kết, hối lộ.

Những phân tích trong báo cáo cuối cùng để đưa ra lời cảnh báo rằng quan điểm truyền thống về bảo vệ rừng, về nhìn nhận lâm tặc lâu nay còn có những điểm phiến diện, thiếu tính khoa học và tính hệ thống.

Không thể chỉ đơn thuần coi những người phá rừng là “lâm tặc”, rằng hệ thống quản lý lâm nghiệp hiện hành là “ổn” và nếu kiểm lâm có thêm quyền lực thì rừng sẽ được bảo vệ, trong khi những yếu tố mang tính cốt lõi như động cơ phá rừng, mối quan hệ ràng buộc – chi phối giữa các đối tượng liên quan thì bỏ qua.

Người dân vùng đệm KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông trong một buổi họp thôn về đồng quản lý rừng. (Ảnh:ThienNhien.Net)

Đề xuất cho những thay đổi trong định hướng chính sách, các tác giả cho rằng cần thúc đẩy việc trao quyền và gắn lợi ích của người dân nhiều hơn trong lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời khuyến khích vai trò giám sát của các tổ chức xã hội.

Hiện nay, hầu hết diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quản lý bởi các ban quản lý, các lâm trường quốc doanh và các công ty lâm nghiệp. Người dân gần như không được hưởng lợi ích gì từ diện tích rừng này.

Các hình thức như đồng quản lý, giao khoán bảo vệ lâu dài cho người dân đối với một số diện tích rừng tự nhiên có triển vọng khuyến khích người dân tham gia bảo vệ. Tuy nhiên, để người dân tham gia thực sự, trách nhiệm bảo vệ rừng được giao cho người dân cần phải đính kèm với lợi ích. Các mô hình như khai thác gỗ tác động thấp, quản lý bền vững rừng phòng hộ (và cả rừng đặc dụng) cũng có thể là cơ chế tiềm năng tạo ra lợi ích cho người dân khi họ tham gia bảo vệ rừng. Điều này sẽ làm giảm nạn khai thác gỗ lậu tràn lan như hiện nay.

 

*Ấn phẩm: Illegal Logging in Vietnam: Lam tac (Forest Hijackers) in Practice and Talk; Thomas Sikor (School of International Development, University of East Angelia, Norwich, United Kingdom) and Phuc Xuan To (Finance and Trade Program, Forest Trends, Washington, DC, USA)