ThienNhien.Net – Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, sau sự vụ xác tê giác một sừng (nhưng không còn sừng) được phát hiện trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên, một nhóm bảo tồn ở Việt Nam từng đưa ra ý tưởng tổ chức một lễ tưởng niệm thật lớn chú tê giác xấu số giữa thủ đô Hà Nội để thức tỉnh sự quan tâm của cộng đồng và các nhà lãnh đạo đối với loài tê giác Java nói riêng và thiên nhiên hoang dã nói chung. Tiếc rằng, sự kiện đã không diễn ra vì các ý kiến không đồng thuận. Nay nhìn lại, có người tặc lưỡi, nếu biết đó là chú tê giác cuối cùng, chắc mọi người đã quyết tâm hơn.
Công bố tình trạng tuyệt chủng một loài sinh vật có lẽ là việc làm bất đắc dĩ nhất đối với các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tồn. Khắc khoải với câu hỏi “Tiếp theo, chúng ta cần làm gì để không còn phải chứng kiến nhiều loài nữa biến mất?”, chúng tôi đã tìm đến GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, một trong những nhà khoa học đầu ngành về bảo tồn động vật. Ông hiện là Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam.
– Thưa giáo sư, với công bố của WWF vừa qua thì thiên nhiên Việt Nam sẽ vĩnh viễn không còn loài tê giác nào nữa.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Đúng vậy, trước đây Việt Nam có hai loài tê giác nhưng loài tê giác hai sừng đã tuyệt chủng, và nay tê giác Java một sừng cũng không còn. Đây là tin rất buồn với những người yêu mến thiên nhiên Việt Nam, và cũng là bài học rất lớn với công tác bảo tồn. Chúng ta đã đầu tư nhiều tiền của và công sức nhưng cuối cùng vẫn không giữ được con tê giác cuối cùng này.
– Trong những năm làm khoa học của mình, giáo sư đã phải chứng kiến bao nhiêu sự ra đi như loài tê giác Java vừa qua?
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Với lần công bố Sách đỏ Việt Nam đầu tiên vào năm 1992 có 365 loài động vật đang bị đe dọa thì ở Sách đỏ Việt Nam 2007 con số loài bị đe dọa này đã tăng thêm hơn 150 loài. Trước loài tê giác Java, chúng ta đã phải đau lòng chứng kiến 9 loài động vật khác tuyệt chủng ngoài tự nhiên, đó là tê giác hai sừng, heo vòi, cá sấu hoa cà, hươu sao, bò xám, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp. Việt Nam còn nhiều loài cũng đứng trên bờ vực nguy cơ tuyệt chủng, hổ chỉ còn chừng vài ba con, sao la cũng chỉ còn khoảng 100 con phân bố hẹp ở miền Trung, voi cũng không còn nhiều… những loài này cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nếu không tới đây chúng ta sẽ còn có những buổi công bố đáng buồn như với tê giác một sừng.
– Cho đến nay, sao la và mang lớn Trường Sơn là các loài thú lớn cuối cùng của Việt Nam được ghi nhận mới đối với khoa học. Liệu còn cơ hội nào để hy vọng vào những phát hiện tương tự?
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Thiên nhiên Việt Nam rất phong phú, nếu chúng ta tiếp tục đi điều tra, khảo sát thì tôi tin là còn những loài mới nữa. Vẫn còn những vùng núi cao mà dấu chân người điều tra chưa đặt tới. Triển vọng tìm ra các loài mới côn trùng, thú nhỏ khá sáng sủa, nhưng hy vọng tìm được các loài thú lớn mới thì không nhiều.
– Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học trong những năm qua đã thay đổi ra sao?
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Từ bao nhiêu năm nay, mối đe dọa với đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn là mất rừng, mất đi sinh cảnh sống của nhiều loài động, thực vật. Hiện nay còn một mối đe dọa lớn nữa là tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã một cách tràn lan. Chúng ta chưa có những chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi này, vì thế dù cố gắng bảo tồn nhiều nhưng đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn thường xuyên bị đe dọa nghiêm trọng.
Có một điều khác mà tôi lo ngại là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đối với các nhà khoa học như chúng tôi, đó là một điều trăn trở. Cũng thấy rằng việc chuyển đổi đóng góp vào phát triển kinh tế nhưng nếu nhà nước không nghiên cứu kỹ lưỡng mà để người ta lợi dụng chủ trương, hủy hoại môi trường sinh thái là không nên.
Ví như chuyển đổi rừng khộp, đó là hệ sinh thái đặc biệt nó chỉ có ở Tây Nguyện và một số khu vực Nam Bộ. Tôi nghĩ nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của loài voi cũng liên quan đến việc chuyển đổi rừng ở Tây Nguyên. Voi ưa rừng khộp nhất vì nó thưa, có các tầng sinh thái, có cỏ là thức ăn cho voi. Nhưng nếu chỉ dựa vào trữ lượng gỗ mà nói thì rõ ràng rừng khộp không thể sánh với nhiều loại rừng khác. Đó cũng là cái mà các nhà khoa học có trăn trở, kiến nghị với Nhà nước, Bộ NN&PTNT nên cân nhắc kỹ hơn. Nếu chuyển đổi nhiều quá mà nó vượt ngưỡng sinh thái, hệ sinh thái không còn khả năng tự hồi phục, chức năng sinh thái giảm, như vậy sẽ dấn đến nhiều hệ lụy.
Thêm nữa, việc nhà nước mình phát triển các khu sinh thái, cái đó đúng, nhưng nếu chúng ta không kiểm tra, không đưa ra tiêu chí thì những doanh nghiệp ý thức kém sẽ lợi dụng để biến nó thành cái khác và tàn phá rừng, làm mất vùng sinh sống cũng như nguồn gen động thực vật, có thể trong đó có những loài quý hiếm. Việc xây dựng thủy điện tràn lan cũng vậy.
– Trong những năm gần đây, người ta hay nhắc đến quy hoạch bảo tồn. Thực chất đó là gì?
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Quy hoạch bảo tồn thiên nhiên là tiến hành khảo sát, điều tra, nghiên cứu, đánh giá các giá trị đa dạng sinh học của một khu vực cụ thể để đề ra phương thức bảo tồn hợp lý. Nhà nước cho phép các tỉnh tự lập kế hoạch bảo tồn từng khu để phù hợp với tình hình địa phương. Chúng ta đang tiến hành rà soát lại 128 khu bảo tồn, vườn quốc gia xem khu nào nên giữ, khu nào nên bỏ (vì loài cần bảo tồn không còn nữa), khu nào cần đầu tư trọng điểm, khu nào phát hiện loài mới để đưa vào bảo tồn.
– Vậy còn với các khu bảo tồn loài và sinh cảnh được thiết lập, giáo sư đánh giá ra sao về hiệu quả của hệ thống bảo tồn này ?
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Theo tôi là nhiều khu bảo tồn loài hoạt động tốt. Loài voọc quần đùi trắng phát triển tốt ở KBT đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình), voọc Chà vá chân nâu ở KBT thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vượn đen Cao Vít ở Trùng Khánh (Cao Bằng) cũng phát triển tốt. Tất nhiên cũng có hoạt động quản lý của một số khu chưa thực sự hiệu quả khiến hệ sinh thái tự nhiên suy thoái. Như tôi cũng đã nói nhiều lần, bảo tồn loài và sinh cảnh nên được gắn với du lịch sinh thái bền vững và tổ chức cộng đồng, lôi kéo họ cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ cao hơn.
– Giáo sư cho rằng thách thức lớn nhất đối với bảo tồn ở nước ta hiện nay là gì? Thiếu đội ngũ nghiên cứu, thiếu đầu tư hay yếu tố nào khác?
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Theo tôi, vấn đề lớn nhất với bảo tồn loài nói riêng và bảo tồn nói chung không hẳn là kinh phí hay đầu tư. Nhà nước ta vẫn quan tâm, hàng năm vẫn đầu tư không ít tiền công tác này, mà quan trọng là sử dụng nguồn đầu tư đó thế nào cho hợp lý. Các KBT còn yếu về đội ngũ nghiên cứu. Người ta mới chỉ quan tâm đến tìm cách giữ rừng, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Làm bảo tồn là phải gắn với nghiên cứu, có nghiên cứu thấu đáo về một loài cần bảo tồn nào đó thì mới có phương án, phương thức bảo tồn hợp lý. Lẽ ra mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn mỗi năm nên có vài ba đề tài nghiên cứu bảo tồn, vừa để tăng hiệu quả bảo tồn vừa tạo cơ hội cho cán bộ bảo tồn trẻ có thêm kinh nghiệm. Nhưng phải nói thật là hiếm nơi nào thực hiện được điều này.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng bảo tồn thiên nhiên cần phải dựa vào dân. Người dân là những người bảo tồn thiên nhiên tốt nhất. Không lôi kéo được người dân vào việc này thì dù lực lượng kiểm lâm của chúng ta (hiện có chừng 11 nghìn người) có tăng lên thành 20 nghìn, 30 nghìn hay thậm chí 100 nghìn cũng không bảo vệ được rừng, bảo vệ được đa dạng sinh học. Đi sâu vào tìm hiểu thì sẽ rõ không phải người dân nào săn bắn, chặt phá rừng cũng vì lợi nhuận mà một bộ phận không nhỏ là vì đời sống khó khăn. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, chúng ta cần giúp cho người dân hiểu rõ nếu bảo tồn thiên nhiên họ sẽ được cái gì. Nếu giúp họ sống được với rừng mà không cần phá rừng thì sẽ lôi kéo được họ vào cuộc cùng bảo tồn thiên nhiên.
– Xin chân thành cảm ơn giáo sư!