ThienNhien.Net – Theo kết quả nghiên cứu gần đây của trường Đại học Tennessee (Hoa Kỳ) thì các kế hoạch thúc đẩy sản xuất điện mặt trời của Trung Quốc và Ấn Độ có thể gây phát thải hơn 2,4 triệu tấn chì ô nhiễm, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm chì ở các nước này.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do quá trình sản xuất điện mặt trời ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều sử dụng các tấm pin a-xít chì để lưu trữ năng lượng.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lượng chì bị rò rỉ ra môi trường khi khai thác, nấu chảy và sử dụng trong quá trình sản xuất và tái chế pin ở hai quốc gia là khá lớn (ở Trung Quốc là 33%, Ấn Độ là 22%).
Dựa theo lượng phát thải từ các nhà máy sản xuất pin mới tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo lượng phát thải chì của hai nước trong thời gian tới sẽ tương ứng 1/3 tổng sản lượng chì toàn cầu.
Năm 2022, Ấn Độ dự kiến tăng thêm 12GW điện mặt trời kết hợp phân phối 20 triệu đèn mặt trời nhằm cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho 80.000 ngôi làng nằm ngoài mạng lưới điện. Điều đó càng gia tăng sự phụ thuộc của Ấn Độ vào pin chì.
Tuy nhiên, các đại diện Chính phủ Ấn Độ vẫn cho rằng các kế hoạch điện mặt trời ở nước họ đều dựa vào lưới điện, không phụ thuộc vào pin chì, trong khi thực tế có tới 25% lượng điện mặt trời không phù hợp với lưới điện quốc gia.
Chia sẻ quan điểm về kết quả của nghiên cứu trên, ông Bharat Bhargava – Giám đốc bộ phận quang điện mặt trời trực thuộc Bộ Năng lượng Mới và Tái Tạo Ấn Độ – cho biết: “Tôi không nghĩ là nghiên cứu này đã xem xét đến hệ thống lưới điện mặt trời của đất nước chúng tôi. Hơn thế nữa, chúng tôi chỉ sử dụng chưa tới 1% số pin chì được dùng tại Ấn Độ cho việc thiết lập lưới điện mặt trời. Do vậy, nếu cứ đổ lỗi tình trạng ô nhiễm chì cho sự phát triển điện mặt trời thì quả thật không công bằng”.
Ông cũng không quên lưu ý hệ thống điện kết nối với lưới sẽ chưa thể xây dựng sớm được. Còn vấn đề pin chì sẽ chỉ phát sinh trong trường hợp các hệ thống điện mặt trời nhỏ được sử dụng rộng rãi trong khi lưới điện gặp trục trặc, không cung cấp được hoặc với những nơi chưa có lưới điện quốc gia.