ThienNhien.Net – Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành tỉnh Đồng Nai đã đồng ý nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra tài nguyên di truyền các loài lan rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên và nghiên cứu các biện pháp nhân nhanh để bảo tồn” do ông Phạm Văn Toàn (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai) làm chủ nhiệm.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu sưu tập, bảo tồn các loài lan đặc hữu, quý hiếm của Vườn Quốc gia Cát Tiên và khảo sát tính đa dạng của một số loài lan rừng, đồng thời xây dựng quy trình nhân nhanh một số loại lan rừng đặc hữu của Vườn Quốc gia Cát Tiên và một số loài lan quý hiếm cần bảo tồn, có giá trị kinh tế hiện nay.
Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã thu thập được 35 loài lan rừng làm nguyên liệu ban đầu để bảo tồn và nghiên cứu; đã tiến hành vô mẫu các loài lan rừng bằng mẫu chồi, đốt thân và bằng hạt. Kết quả vô mẫu bằng hạt nhanh cho số lượng lớn và góp phần hình thành sự đa dạng sinh học cho loài. Đề tài cũng đã tiến hành nhân nhanh invitro (nuôi cấy mô tế bào thực vật) các loài lan nghiên cứu để tìm môi trường thích hợp. Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện đề tài đã tạo ra một số lượng lớn các cây con của các loài lan rừng có giá trị invitro. Để có thể duy trì và phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, cần có biện pháp duy trì cũng như chăm sóc các cây con trong giai đoạn vườn ươm, triển khai nhân rộng các giống lan rừng để đáp ứng cho thị trường nhằm giảm thiểu việc khai thác trực tiếp trong tự nhiên.
Qua điều tra, khảo sát, Vườn Quốc gia Cát Tiên có nhiều loại lan rừng cho hoa đẹp, có hương thơm và lâu tàn, chùm hoa nở kéo dài từ 1-2 tháng mới hết hoa như Bò cạp, Lan giáng hương, Lô hội, Kim điệp, Báo hỉ, Thủy tiên tua… Nhiều loại lan rừng có tác dụng làm thuốc chữa bệnh như loài lan gấm, kim tuyến… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác bảo tồn chưa được quan tâm đúng mức và có định hướng lâu dài nên nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt. Một số loài lan chỉ khai thác trong tự nhiên mà không có kế hoạch gây trồng, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc đặt ra kế hoạch đầu tư cho công tác bảo tồn, phát triển và khai thác các loài lan dưới tán rừng một cách hợp lý sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen quý.