ThienNhien.Net – Một vài câu chuyện dưới đây vể Tây Nguyên có thể chưa hẳn đã tiêu biểu cho nạn phá rừng đang diễn ra từng ngày sôi sục trên khắp mọi miền, nhưng nó cũng đủ khiến người ta phải thốt lên rằng “cứ cái đà này thì…”
Thiếu đất trồng nên phải phá
Đăk Nông là cái tên nổi như cồn sau vụ hàng trăm người dân ồ ạt kéo vào phá rừng tại các tiểu khu thuộc địa phận xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức với lí do địa phương này chậm trễ trong việc cấp đất sản xuất. Hậu quả sau hơn hai ngày “oanh tạc” bằng cưa xăng và dao rựa là sự gục ngã của hàng trăm ha rừng tự nhiên và có thể nhiều hơn nữa. Phía chính quyền và các cơ quan chức năng Đăk Nông ngay lập tức giải quyết nhanh sự vụ bằng cách hối thúc tiến độ giao đất và cung ứng gần 6 tỉ đồng để giải tỏa 700 ha đất bị xâm canh và cấp đất sản xuất cho 500 hộ dân tại Đăk Ngo.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành truy quét các vụ lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép tại địa bàn xã này, sẵn sàng áp dụng các biện pháp cưỡng chế, giải tỏa nếu cần thiết. Dự kiến có khoảng 2.000 người dân buộc phải rời khỏi rừng, 36 nhà tạm, 91 lều lán và 750ha cà phê, điều, sắn… cũng đồng thời bị thu hồi với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu ra quân (22/4), lực lượng liên ngành đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của hàng trăm người dân đang xâm canh trái phép. Họ dùng cả gậy, súng kíp và đá để tấn công, làm hỏng nhiều xe máy xúc và làm bị thương nhiều cán bộ cơ động.
Nhiều ý kiến nhận định, sự lộng hành ngang nhiên và tráo trợn của lâm tặc ở vùng đất này xuất phát một phần không nhỏ từ chính chủ trương cấp phép tràn lan các dự án cho thuê đất rừng của UBND tỉnh. Tuy mới thành lập được gần 6 năm nhưng Đăk Nông đã cấp phép cho hơn 30 doanh nghiệp thuê trên 22.000 ha đất rừng để sản xuất nông – lâm nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp trồng rừng thì ít mà để mất rừng thì nhiều, nhiều doanh nghiệp không giữ được rừng, để người dân xâm canh, lấn chiếm, gây khó khăn cho công tác giải phóng đất xâm canh, thậm chí chính bản thân các doanh nghiệp cũng tự lấn chiếm các diện tích lân cận nhằm trục lợi. Ước tính, số diện tích rừng dự án bị mất tại Đăk Nông lên tới gần 8.000 ha, tức chiếm hơn 1/3 tổng diện tích các doanh nghiệp được cấp, và đây cũng mới chỉ là con số dựa trên báo cáo.
Sự quan ngại về nạn phá rừng càng trở nên có lí khi nguyên do thiếu đất sản xuất hay sinh kế khó khăn nhiều khi chỉ là cái cớ trong khi nguyên nhân đằng sau đó là sự giật dây của cả hệ thống các “đầu nậu gỗ”, và trên cả là lòng tham vô đáy của con người.
Xem ra câu chuyện không đơn giản dừng lại ở việc thu hồi và phân bổ đất sản xuất và một khi người dân trở thành những tay lâm tặc thứ thiệt thì sự giải quyết cũng không dễ bề thực hiện.
Sau tất cả những sự vụ xảy ra, dù kết quả chưa rõ “ngô khoai” nhưng chắc chắn những cánh rừng của Đăk Nông sẽ tiếp tục bị tỉa thưa trông thấy. Chỉ hi vọng, UBND tỉnh Đăk Nông với những biện pháp kiên quyết và phù hợp có thể giúp “hạ sốt” câu chuyện phá rừng vốn ngày một nóng ở nơi đây.
Dự án trồng rừng cũng …. phá
Sự giàu có của núi rừng Lâm Đồng vốn là lời mời gọi đầy hứa hẹn đối với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có ý định thuê đất rừng để kinh doanh với nhiều mục đích. Tuy nhiên, trong số rất nhiều dự án đã được cấp phép thì chỉ số ít doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết về quy định trồng, quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng, đa phần đều lợi dụng chủ trương chuyển đổi đất rừng nhằm sang nhượng trái phép, chưa kể, có đơn vị xin nhận trồng rừng chỉ hòng có được sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay vốn. Nhiều công ty tuy không đủ năng lực tài chính, không có kinh nghiệm trồng rừng nhưng vẫn được cấp phép, khiến hiệu quả trồng rừng dự án đạt thấp. Đây cũng là lí do chính khiến Lâm Đồng ngày càng phát sinh nhiều điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng bởi hầu hết những điểm rừng bị phá và lấn chiềm đều nằm trong quỹ đất được giao cho các doanh nghiệp.
Điển hình cho hành vi vi phạm các quy định về khoanh nuôi, bảo vệ đất rừng là trường hợp Công ty TNHH Gia Linh – đơn vị được UBND tỉnh cấp phép thực hiện dự án trồng, quản lý bảo vệ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp tại tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm với tổng diện tích 280 ha. Tuy dự án được duyệt từ giữa năm 2008 nhưng doanh nghiệp không tiến hành trồng rừng ngay mà dùng cưa chặt hạ cây rừng, thậm chí tự ý giải tỏa hàng chục ha cà phê của dân và trồng gần 40 ha cà phê trên đất không được cấp phép. Tương tự, Công ty cổ phần Tân Đại Thanh cũng ngang nhiên chặt phá, lấn chiếm gần 40 ha trong tổng số 95 ha đất rừng được thuê tại tiểu khu 441 xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm vốn chỉ dành cho việc trồng rừng, quản lý bảo vệ và chăn nuôi gia súc. Tổng số lâm sản thiệt hại ước tính 1.880m3.
Nghiêm trọng hơn là trường hợp của Công ty TNHH Văn Nguyên – từ năm 1999, đơn vị này được thuê hơn 102 ha đất lâm nghiệp tại Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm để trồng rừng nhưng sau đó đã tự ý chuyển nhượng toàn bộ cho đơn vị khác.
Sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên do quan trọng khiến rừng Lâm Đồng tiếp tục bị thu hẹp, trong đó, trường hợp Công ty TNHH Thăng Hoa và Công ty TNHH Lâm Sơn Thủy để mất gần 200 ha trong tổng số gần 500 ha rừng được cấp tại huyện Đạ Tẻh chỉ là một minh chứng rất nhỏ so với thực tế. Kiểu làm ăn “đem con bỏ chợ” của hai đơn vị đã khiến gần một nửa số diện tích rừng bị người dân phát trắng để trồng khoai mì.
Sự bất cập xung quanh các câu chuyện xin thuê đất rừng khiến UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 18/4 phải ra quyết định ngừng thu hút mọi dự án liên quan đến rừng và đất rừng sau khi tổng rà soát thực trạng quản lý, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh. Trước đó, địa phương cũng thu hồi gần 5.000 ha rừng được giao cho 40 doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ để khẳng định cuộc chiến giữ rừng ở Lâm Đồng sẽ sớm bình ổn. Giả như các quyết định này được soạn thảo và phê duyệt sớm hơn thì chắc hẳn Lâm Đồng ít nhiều đã có thể giữ thêm được diện tích rừng.
Vườn quốc gia bị đục lõi
Sát sườn Đăk Nông, người hàng xóm Đăk Lăk cũng không ít phen khiếp vía với nạn lâm tặc. Hầu hết các đơn vị thuộc địa phương này đều đang trong tình trạng “sốt sồn sột” về nạn phá rừng, chuyện phá rừng xảy ra như cơm bữa, hết phá vì gỗ, vàng, thạch anh lại phá để chiếm đất, giữ đất, trồng cao su…, gần đây nhất là loạt vụ phá rừng xảy ra ở VQG Yok Đôn – một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 115.000 ha, nằm vắt ngang địa phận hai tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk.
Theo như báo cáo của Vườn thì từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 200 vụ khai thác, vận chuyển gỗ quý từ Yok Đôn bị phát hiện, kéo theo hàng trăm m³ gỗ quý bị đốn hạ. Gần đây nhất là vụ 32 cây gỗ hương có đường kính 0,4 – 1,2m (tương đương 100 m3) bị chặt trộm trong ngày 16/4 và đã được vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng. Lạ là phần gốc và một số cành ngọn của loại gỗ này vốn bị lâm tặc bỏ lại ngay sau đó đã được phía kiểm lâm Vườn thu lượm và xử lý nhanh bằng cách… đốt trụi. Hành động đáng ngờ này khiến nhiều người thắc mắc liệu đó có phải là cách làm nhằm giúp lâm tặc xóa chứng cứ và giúp cán bộ Vườn tránh được trách nhiệm nếu bị kiểm tra. Đáng nghi hơn là việc để mất số lượng gỗ lớn như vậy không hề được phía kiểm lâm đưa ra khởi tố mà lại ém nhẹm theo kiểu “bà hỏa”.
Không dừng lại ở con số 30, theo một vài nguồn tin chính thức, chỉ riêng tiểu khu 507 của Yok Đôn trong thời gian ngắn đã để mất trên dưới 100 cây gỗ quý, tương đương 300m3 gỗ bị lấy cắp. Nếu áp theo mức giá trung bình 40 triệu đồng/m3 thì nghiễm nhiên số tiền mà lâm tặc đút túi lên tới hơn chục tỉ. Đó là chưa kể đến việc Yok Đôn đang tồn tại không ít những điểm nóng tương tự như 507. Sự lộng hành thái quá của lâm tặc không chỉ khiến gỗ rừng Yok Đôn lần lượt đổ mà còn làm giảm hiệu quả quản lý, giám sát của lực lượng kiểm lâm. Quân số của Vườn từ năm 2009 tuy được tăng thêm 100 cán bộ nhưng vẫn không thể ngăn được bước chân của lâm tặc. Không ít cán bộ bị đánh, chém trọng thương khi đi tuần tra rừng. Đặc biệt, ngay trong ngày 25/4 khi các cơ quan chức năng Đăk Lăk ra quân trấn áp tội phạm thì lâm tặc đã có hànhđộng thách thức khi chặt hạ hai cây gỗ hương chắn ngang đường tuần tra tiểu khu 507.
Điều khiến tất cả những ai quan tâm tới Yok Đôn đều phải đặt dấu hỏi thắc mắc là tại sao lâm tặc có thể dễ dàng tuồn vào rừng và ngang nhiên chặt cây ngay trước trạm kiểm lâm, nhiều điểm thậm chí chỉ cách đường tuần tra vài chục mét. Liệu ngoài những lí do cố hữu như ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc VQG Yok Đôn phân trần là do “địa bàn Vườn quá rộng, lực lượng quá mỏng” hoặc theo sự lí giải của ông Nguyễn Huy Hải, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đrang Phốk là “lâm tặc giờ đây canh chừng cả kiểm lâm chứ không phải ngược lại” thì còn nguyên cớ nào khác. Rất nhiều ý kiến thẳng thắn khẳng định, nếu không có sự trợ giúp từ phía cán bộ kiểm lâm thì lâm tặc khó lòng dám nổi loạn.
Có thể nói, trong tất cả các loại tài nguyên lâm sản thì gỗ là một trong những dạng tài nguyên bị tàn phá ác liệt và dễ nhận thấy nhất. Bên cạnh đó, các hoạt động phá rừng vì mục đích kiếm tìm động thực vật hoang dã, lâm sản phụ… cũng không kém phần sôi động. Tổng số vụ phá rừng trái phép, theo thống kê của Cục Kiểm Lâm tuy giảm hơn trước nhưng mức độ ảnh hưởng và hậu quả thì nghiêm trọng hơn nhiều, lâm sản bị khai thác ngày càng “tinh về chất”, cũng có nghĩa nhiều loại lâm sản quý hiếm, có giá trị cao càng nhanh bị tận diệt.