ThienNhien.Net – Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú và đa dạng nhưng Việt Nam lại đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm trầm trọng nguồn dược liệu do hoạt động khai thác và buôn bán tự phát tại nhiều địa phương. Điều đáng ngại hơn cả là tình trạng nhiều thương lái trong và ngoài nước lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con ở vùng sâu, vùng xa để thu gom và bán số lượng lớn cây thuốc qua biên giới với giá rẻ mạt. Hoạt động này không chỉ đơn thuần làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vốn dồi dào mà còn làm mất đi nhiều giá trị tri thức bản địa quý giá, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với quốc gia và địa phương.
Theo tài liệu từ Viện Dược liệu Trung ương, Bộ Y tế, hiện chúng ta đã phát hiện được hơn 3.900 loài cây thuốc, trong đó có 144 loài cây thuốc quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, nhiều loài đồng thời còn được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt có một số loài được ghi trong Nghị định số 32/2006/CP của Chính phủ như: Bắc xanh, Pơmu, Du sam núi đá, Thông đỏ Bắc, Sa mộc dầu, các loài Tế tân, Tam thát hoang, Vù hương, Hoàng đằng, Thổ Hoàng Liên…
Tuy nhiên, “nguồn “vàng xanh” của chúng ta ngày càng bị thất thoát và có nguy cơ cạn kiệt. Chỉ tính riêng tại một số điểm giáp biên thuộc tỉnh Cao Bằng, mỗi năm có ít nhất từ 300.000 đến 500.000 tấn dược liệu bị khai thác và bán qua biên giới, chủ yếu là bán sang Trung Quốc. Và trong hơn 20 năm qua, số dược liệu tươi và khô chảy qua biên giới đã lên tới trên dưới 10 triệu tấn” – Bác sĩ Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông y Cao Bằng cho biết.
Nhằm nâng cao mối quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề gìn giữ, phát triển và bảo tồn nguồn tài nguyên cũng như các tri thức bản địa về việc sử dụng cây thuốc, đồng thời góp phần thúc đẩy các chính sách hiện hành liên quan đến hoạt động quản lý và khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, từ ngày 24-25/3, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) đã phối hợp với Hội Đông y tỉnh Cao Bằng và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cao Bẳng tổ chức hội thảo “Bảo tồn và Phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam” tại Cao Bằng với sự tham dự của nhiều đơn vị, cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu và đông đảo báo giới.
Hội thảo không chỉ thảo luận về một số kết quả nghiên cứu về nguồn tài nguyên cây thuốc mà còn đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” như tình hình buôn bán cây thuốc, sự tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích về cây thuốc ở Việt Nam, vấn đề sở hữu trí tuệ trong việc giữ gìn và phát triển các bài thuốc dân tộc cổ truyền, đề án bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ… Đặc biệt, Hội thảo còn có sự chia sẻ của nhóm nhà báo về kết quả khảo sát thực tế tình hình khai thác tự phát và buôn bán cây thuốc tại Lào Cai và Cao Bằng với nhiều thước phim và hình ảnh sống động.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng góp ý, để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc trong nước, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch trồng, khai thác đến chế biến, sử dụng và bảo tồn nguồn gen. Đặc biệt, Nhà nước cần chú trọng ban hành những chính sách gắn kết được sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong một mục đích chung là bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc trồng và khai thác và sử dụng dược liệu, khuyến khích duy trì, bảo tồn kiến thức bản địa về việc sử dụng cây thuốc trong nhân dân.
Thanh Huyền