Việc tích nước và xả nước từ các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn dẫn đến nguồn nước sông Hồng đang bị cạn kiệt quá mức, dù không phải năm hạn.
Theo ông Nguyễn Thái Lai, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), tình hình hạn hán, đặc biệt là việc điều chỉnh mức nước đáp ứng nhu cầu sản xuất điện và hiệu quả của việc phát điện, làm cho mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua.
Tuy nhiên, đại diện ngành điện không đồng tình với ý kiến cho rằng thủy điện làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Theo ông Đặng Huy Cường, Giám đốc trung tâm điều độ của Tập đoàn Điện lực, tình hình nước sông Hồng luôn ở mức báo động từ 5 – 10 năm trở lại đây, càng ngày nước chảy về hồ Hòa Bình càng thấp. Nếu không có lượng nước xả từ hồ Hòa Bình, chắc chắn sông Hồng không thể nào dâng thêm nước, thậm chí còn trơ đáy. Vì thế, không thể kết luận do có thủy điện làm ảnh hưởng đến dòng chảy.
Phản bác lại lập luận của đại diện ngành điện, ông Lê Văn Học, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi lại cho rằng, dòng chảy sông Hồng là do con người “điều hành” chứ không phải là do tự nhiên nữa. Tình trạng cạn kiệt nước và làm thay đổi chế độ dòng chảy tự nhiên của sông Hồng làm cho nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị đình trệ, môi trường nước của hệ thống sông hạ du sông Hồng bị ô nhiễm nặng nề.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực cho rằng, thời gian tới sẽ tập trung điều tra, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất để giải quyết nguồn nước cho sông Hồng. Trong đó, phải tính lại dòng chảy tối thiểu cho sông Hồng là bao nhiêu để có thể đảm bảo các nghiên cứu sử dụng nước cho thủy sản, cho nông nghiệp, cho du lịch, cho sinh hoạt, cho bảo vệ môi trường.